Chiều 6/8/2012, phiên đấu thầu điện tử đầu tiên đã được tổ chức tại SGDCK Hà Nội và huy động thành công 5.650 tỷ đồng trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với 1.650 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, 2.000 tỷ đồng trái phiếu 3 năm và 2.000 tỷ đồng trái phiếu 5 năm.
Trong đó, lãi suất huy động đối với trái phiếu 2 năm là 9,1%/năm, 3 năm là 9,2%/năm và 5 năm 9,59%/năm. So với phiên đấu thầu trước đó, lãi suất huy động trái phiếu 3 năm và 5 năm đã giảm lần lượt là 0,19% và 0,16%, trong khi lãi suất huy động trái phiếu 2 năm không thay đổi.
Phiên đấu thầu đã thu hút 18 thành viên tham gia dự thầu, với tổng khối lượng dự thầu lên đến 15.790 tỷ đồng. Trong đó trái phiếu 2 năm có tổng khối lượng dự thầu là 2.750 tỷ đồng với lãi suất dự thầu cao nhất 11%, thấp nhất 8,73%, lãi suất danh nghĩa 8,8%. Trái phiếu 3 năm có tổng khối lượng dự thầu 7.460 tỷ đồng, lãi suất dự thầu cao nhất 9,9%, thấp nhất 9,1% và lãi suất danh nghĩa 9%. Trái phiếu 5 năm có khối lượng dự thầu 5.580 tỷ đồng, lãi suất cao nhất 10,1%, thấp nhất 9,49%, lãi suất danh nghĩa 9,5%.
Tính từ đầu năm 2012 đến nay, hoạt động đấu thầu trái phiếu tại SGDCK Hà Nội đã huy động được 100.000 tỷ đồng. Việc đưa hệ thống đấu thầu điện tử vào áp dụng thành công tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả của hoạt động đấu thầu trái phiếu, rút ngắn tối đa thời gian đấu thầu, kết nối chặt chẽ giữa thành viên, tổ chức phát hành và cơ quan quản lý, tăng cường hiệu quả và minh bạch trong quá trình tham gia đấu thầu.
Với sự kém tin cậy của các thông tin trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, không thể trông chờ hoàn toàn vào thị trường để xử lý nợ xấu. Còn nếu dùng tiền ngân sách, nguyên tắc tối quan trọng là tiền này để vực dậy hệ thống ngân hàng, chứ không phải để cứu các ông chủ ngân hàng.
Nợ xấu mang tính hệ thống thường phát sinh sau các cơn bùng nổ tín dụng trong chu kỳ tăng trưởng kinh tế nóng và các quy định về hoạt động an toàn bị thiếu vắng, hay bị vô hiệu hóa. Trong những năm qua, Việt Nam mắc phải cả 2 vấn đề này.
2006 là năm bắt đầu của đợt sóng thành lập ngân hàng lần thứ hai (sau đợt thành lập ngân hàng vào đầu thập niên 1990). Mười ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn được chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị và 4 ngân hàng mới được thành lập. Quy mô tín dụng ngân hàng so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng từ 20% vào cuối thập niên 1990 lên đến 136% vào cuối năm 2010, gần bằng với tỉ lệ ở Trung Quốc và Thái Lan và cao hơn hẳn các nước khác trong khu vực. Nếu sự mở rộng tín dụng vào đầu thập niên 2000 đi liền với sự phát triển tài chính theo chiều sâu thì trong những năm gần đây đó là kết quả của chính sách tiền tệ vô cùng nới lỏng. Ngay cả sau lần “mạnh tay” thắt chặt tiền tệ vào năm 2008 để chống lạm phát, tín dụng lại tăng mạnh vào năm 2009 và 2010. Kinh nghiệm quốc tế đã nhiều lần chứng minh rằng, tiền tệ dễ dãi cộng với quản trị yếu kém trong thời gian dài luôn gây ra trục trặc trong hệ thống ngân hàng.
Điểm đáng chú ý là 2006-2011 lại là thời kỳ khung pháp lý và giám sát hoạt động ngân hàng không ngừng được hiện đại hóa. Quy định hiện hành của Việt Nam về bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng thương mại đã bao trùm hết các nội dung giám sát về vốn, giới hạn tín dụng, giới hạn đầu tư góp vốn cổ phần, tỉ lệ khả năng chi trả và phân loại chất lượng nợ, trích dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, các ngân hàng, mà thực chất là các nhà đầu tư, tổ chức kinh tế sở hữu ngân hàng, có thể dễ dàng vô hiệu hóa tất cả các quy định đảm bảo an toàn, cho dù đó là các quy định theo chuẩn mực quốc tế. Điều này được thực hiện một cách đúng luật (nhưng sai tinh thần của luật) thông qua việc hình thành cấu trúc sở hữu chéo giữa doanh nghiệp phi tài chính - ngân hàng - các tổ chức tài chính phi ngân hàng.
Nếu nợ xấu chỉ thấp như theo báo cáo tài chính của các ngân hàng thì không cần gì đến giải pháp tái cơ cấu
Nợ xấu ngân hàng Việt Nam là bao nhiêu?
Hiện nay, Việt Nam có nhiều nguồn thông tin về nợ xấu. Nguồn thông tin chính thức nhất là số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố, dựa trên việc tổng hợp số liệu báo cáo của từng tổ chức tín dụng. Con số này đã tăng liên tục từ 2,16% cuối năm 2010 lên đến trên 3% vào cuối năm 2011 và 4,47% vào cuối tháng 5 năm 2012. Tỉ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống cũng khớp với số liệu trong báo cáo tài chính của các ngân hàng.
Biểu đồ dưới đây trình bày tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam vào cuối năm 2011 so với năm 2010. Ngoại trừ Vietcombank và Bản Việt, tỉ lệ nợ xấu của những ngân hàng còn lại đều tăng. Nhưng nếu tỉ nợ xấu chỉ dừng lại ở các con số trên thì tổng giá trị nợ xấu ở vào mức 117.000 tỉ đồng. So với 372.824 tỉ đồng vốn điều lệ và 414.153 tỉ đồng vốn chủ sở hữu, thì hệ thống ngân hàng Việt Nam không chỉ không bị mất khả năng chi trả mà còn có thể tự xử lý được nợ xấu của mình.
Nguồn thông tin thứ hai về nợ xấu là số liệu thanh tra, giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước. Con số này thường cao gấp đôi số liệu nợ xấu chính thức. Ví dụ, tỉ lệ nợ xấu theo Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng vào cuối tháng 6.2011 là 6,62%, , so với con số chính thức 3%. Đến cuối tháng 3.2012, tỉ lệ nợ xấu theo cơ quan này lên tới 8,6% so với con số chính thức 3,9%. Mức gia tăng tỉ lệ nợ xấu sau Thanh tra, Giám sát là do việc xác định lại các khoản nợ tái cơ cấu mà trước đây không được coi là nợ xấu. Vậy, tổng giá trị nợ xấu là 202.000 tỉ đồng, gần bằng một nửa tổng vốn chủ sở hữu của tất cả các tổ chức tín dụng. Đây là mức nợ xấu cao và mang tính hệ thống.
Nguồn thông tin nữa về nợ xấu là con số của tổ chức đánh giá tín nhiệm vay nợ Fitch Ratings. Fitch lấy số liệu dư nợ cho vay theo báo cáo của một số ngân hàng Việt Nam và xếp lại theo chuẩn mực kế toán quốc tế thay vì Việt Nam. Con số của Fitch thường cao hơn con số chính thức khoảng 3 lần. Tỉ lệ nợ xấu mà Fitch đưa ra đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam là 13%.
Nợ xấu của ngân hàng Việt Nam, ngoài việc được che đậy dưới các dạng đảo nợ đã được Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng phát hiện (hoặc chưa phát hiện hết), còn được chuyển sang một hạng mục trong báo cáo tài chính được gọi là tài sản khác. Khi ngân hàng chuyển nhượng các khoản nợ thực tế đã quá hạn cho công ty mua bán nợ (AMC) do chính mình sở hữu thì khoản nợ này được ghi thành tài sản khác. Còn khi các khoản nợ xấu, bao gồm cả nợ xấu từ cho vay lẫn tài sản từ đầu tư chứng khoán, góp vốn đầu tư và ủy thác đầu tư, được chuyển nhượng cho các tổ chức khác mà không có tiền thực thu về thì khoản này được chuyển thành khoản phải thu.
Tổng hợp báo cáo tài chính của riêng 37 ngân hàng thương mại nhà nước và cổ phần, giá trị tài sản khác năm 2011 tăng tới 40,5% so với 2010, trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng 15,9%. Vào cuối năm 2011, các hạng mục tài sản có khác chiếm tới 7,1% tổng tài sản (hay 14,6% dư nợ cho vay). Chỉ tính riêng giá trị các khoản phải thu liên quan tới cho vay và đầu tư tài chính thì con số là 148.000 tỉ đồng. Nếu đây thực chất cũng là nợ xấu, thì tổng giá trị nợ xấu có thể lên tới 350.000 tỉ đồng, bằng 14,9% dư nợ cho vay.
Mua lại nợ xấu: Tiền ngân hàng hay tiền ngân sách?
Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam được công bố bằng quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu ngân hàng. Có thể nói mọi kinh nghiệm quốc tế về xử lý nợ đều được bao hàm trong này, nhưng nó lại không cho thấy thứ tự ưu tiên rõ ràng. Nếu tổng hợp lại, có thể thấy được 2 hướng xử lý nợ xấu: dựa vào thị trường và dựa vào Nhà nước.
Giải pháp dựa vào thị trường bao gồm sáp nhập ngân hàng trên cơ sở tự nguyện, giảm và mua bán lại nợ xấu theo cơ chế thị trường, chứng khoán hóa và hoán đổi nợ và sử dụng công ty tái cơ cấu nợ tư nhân. Việc sáp nhập 3 ngân hàng yếu kém SCB, Đệ Nhất và Tín Nghĩa vừa qua thực chất chỉ mới dừng lại ở bước “gom về một chủ”, chứ không hề giúp xử lý nợ xấu. Các hoạt động thâu tóm ngân hàng diễn ra một cách không minh bạch và còn làm tăng thêm tình trạng sở hữu chéo. Và với sự kém tin cậy của các thông tin tài chính hiện nay thì hầu như không thể tìm ra được nhà đầu tư sẵn sàng mua lại ngân hàng yêu kém.
Xử lý nợ xấu thông qua giảm và mua lại nợ, chứng khoán hóa và hoán đổi hay đấu giá quyền giảm nợ cũng không khả thi. Bởi lẽ, thị trường mua bán nợ tư nhân vẫn còn trong quá trình phôi thai. Đối với ngân hàng thương mại quốc doanh, việc bán nợ cho một tổ chức tư nhân ở mức giá chiết khấu là không thể được nếu như chưa có sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước và còn có thể bị quy trách nhiệm làm “thất thoát tài sản nhà nước”.
Trong khi đó, giải pháp dựa vào Nhà nước đòi hỏi Nhà nước đóng một vai trò chủ động và sử dụng nguồn lực công để xử lý nợ xấu, đặc biệt khi nợ xấu ngày càng mang tính hệ thống. Việc Ngân hàng Nhà nước gần đây đề xuất thành lập công ty quản lý tài sản là ví dụ minh chứng. Tuy nhiên, việc sử dụng giải pháp của khu vực Nhà nước đặt ra một tình thế nan giải. Nếu không có sự can thiệp của Nhà nước thì nợ xấu không thể giải quyết nhanh, nhưng nếu sử dụng thì sẽ phải tiêu tốn một phần tiền ngân sách. Kinh nghiệm giải quyết khủng hoảng của thế giới cho thấy, việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước là cần thiết; nếu không, những thiệt hại mà một hệ thống tài chính bị nợ xấu đè nặng gây ra cho nền kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Và nếu dùng nguồn lực nhà nước để xử lý nợ xấu, có 3 vấn đề tối quan trọng mà Việt Nam phải tuân thủ.
Chính phủ Hy Lạp và ba nhà tài trợ quốc tế là Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế vừa đạt được thỏa thuận về khoản cắt giảm thêm 11,6 tỷ euro trong ngân sách của Athens trong hai năm tới.
Khoản tiền kể trên tương đương với 5,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp và đây là điều kiện then chốt để Hy Lạp tiếp tục nhận được viện trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế. Athens và các nhà tài trợ đạt được đồng thuận vào ngày 26/7, khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu, José Manuel Barroso hội kiến Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras. Câu hỏi đặt ra là với một tỷ lệ tăng trưởng âm trong năm quý liên tiếp, chính phủ nước này sẽ làm thế nào để thực hiện yêu cầu trên. Theo các nhà quan sát, có thể Hy Lạp sẽ một lần nữa cắt giảm lương hưu và các khoản trợ cấp xã hội. Sau nhiều kế hoạch khắc khổ, liên tục được áp dụng từ năm 2010 đến nay, tiền lương và tiền hưu trí của người dân Hy Lạp bị giảm 30%. Báo chí Hy Lạp tiết lộ, chính quyền sẽ giảm từ 5 đến 10% lương hưu đối với những thành phần có thu nhập trên 1.000 euro/tháng. Các chỉ số kinh tế của Tây Ban Nha đã khiến lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của nước này lên tới 7,6% trong phiên giao dịch ngày 22/7, mức cao kỷ lục từ khi hình thành khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Điều này có nghĩa là các thị trường tài chính quốc tế đang ngày càng lưỡng lự không muốn cho Tây Ban Nha vay tiền để trang trải nợ nần. Viễn cảnh Madrid bị cấm cửa đi vay như Athens hay Lisbon không còn là xa nữa. Đến khi đó, Eurozone buộc phải rút "hầu bao" chung ra để hỗ trợ thành viên này. Trong khi đó, các nước châu Âu thì không còn có đủ khả năng để trợ giúp nhau. Hệ quả là liên minh tiền tệ này tiếp tục bị cuốn vào cái vòng luẩn quẩn nợ nần. Nợ công của Tây Ban Nha đã lên tới gần 800 tỷ euro, tức là cao hơn cả ba nước đang được khối này trợ giúp, nếu đổ hết tiền vào cứu Tây Ban Nha thì Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (FESF) sẽ cạn kiệt. Tóm lại, giải pháp cho khủng hoảng Tây Ban Nha về mặt chính sách cũng như tài chính có vẻ vẫn còn quá xa vời và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) còn đang đắn đo chưa biết sẽ can thiệp tới đâu.
Tuy nhiên, ngày 27/7, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi tuyên bố rằng ECB sẵn sàng làm mọi việc nhằm bảo vệ Eurozone vì sự tồn tại của đồng euro là "không thể thay đổi được," đồng thời khẳng định thể chế tài chính lớn nhất châu Âu này sẽ giữ cho nợ công của các quốc gia Eurozone nằm trong vòng kiểm soát khi vấn đề này cản trở việc ấn định lãi suất thích hợp. Động thái mới của ông Draghi ngay lập tức đã tác động đến thị trường tiền tệ, với lãi suất vay mượn của các quốc gia đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ như Tây Ban Nha sụt xuống dưới 7% và Italy xuống chỉ còn hơn 6%. Theo TTXVN
Trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Dương Quang Sơn - đoàn Bắc Kạn về việc liệu có tình trạng một số ngân hàng thương mại nhà nước đang nắm một lớn bất động sản rất lớn, mà chủ yếu là do thu nợ của các chủ đầu tư dự án và một phần do chính sách tiền tệ gây ra hay không, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định "Thông tin về việc các ngân hàng thương mại đang nắm giữ một khối lượng bất động sản lớn là chưa chính xác"
Thống đốc dẫn số liệu giám sát của Ngân hàng Nhà nước cho hay, đến 31/3/2012, tài sản gán, xiết nợ chờ xử lý trên bảng cân đối tài khoản kế toán của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam là 1.787,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong điều kiện các doanh nghiệp đang gặp khó khăn như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá lại hoạt động của các doanh nghiệp để có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, không đặt nặng vấn đề xử lý tài sản bản đảm để thu hồi nợ bằng bất cứ giá nào.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước hiện không hạn chế tín dụng đối với một số khoản cho vay bất động sản như xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở; xây dựng, sửa chữa và mua nhà để bán, cho thuê; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị....
Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập công ty quản lý tài sản thuộc Ngân hàng Nhà nước với nhiệm vụ chính là mua bán, tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản của các tổ chức tín dụng, khách hàng của tổ chức tín dụng; Cơ cấu lại nợ tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.
Sau khi được thành lập, công ty này sẽ trở thành công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nợ xấu, trong đó có việc xử lý các tài sản đảm bảo bằng bất động sản.
Ngoài ra, theo đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng đã được phê duyệt, đối với một số khoản vay thế chấp bằng bất động sản, công trình sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được, Chính phủ xem xét mua lại các bất động sản đó để phục vụ cho mục đích an sinh xã hội và hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Tuần qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Khánh Hòa tổ chức sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động kinh doanh 6 tháng cuối năm 2012.
Trong sáu tháng đầu năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội có nhiều diễn biến không thuận lợi ảnh hưởng đến hoạt động Ngân hàng, nhưng bằng sự nổ lực của toàn thể cán bộ, viên chức và sự điều hành linh hoạt của Ban lãnh đạo trên cơ sở bám sát các định hướng, chỉ đạo điều hành từ Trụ sở chính, hoạt động của Agribank Khánh Hòa đã giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định. Tính đến 30/06/2012, tổng nguồn vốn huy động đạt 4.970 tỷ đồng (tăng 14,12% so với đầu năm, hoàn thành 103,09 % kế hoạch được giao); dư nợ cho vay đạt 3.676 tỷ đồng, tăng 5,29% so với đầu năm, hoàn thành 91% kế hoạch được giao, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 75% tổng dư nợ. Các hoạt động dịch vụ tiếp tục giữ mức tăng trưởng tốt, tổng số thẻ phát hành trong kỳ đạt 14.317 thẻ, 4.831 khách hàng đăng ký mới dịch vụ Mobile banking, tăng 20% so với đầu năm, các dịch vụ thấu chi tài khoản, bảo an tín dụng có mức tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ… tổng thu dịch vụ đạt 15,771 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ và đạt 44% kế hoạch được giao cả năm.
Trên cơ sở các kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, các đại biểu đã phân tích, đánh giá những mặt được, những tồn tại yếu kém cần khắc phục, đồng thời thảo luận các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2012.
Hội nghị đã thống nhất một số chỉ tiêu phấn đấu đến 31/12/2012, tổng nguồn vốn huy động đạt 5.275 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm và dư nợ đạt 3.831 tỷ đồng, tăng 9,7% so với đầu năm, thu dịch vụ đạt 34 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch năm 2012). Chi nhánh tiếp tục phát triển và mở rộng các hoạt động dịch vụ như sản phẩm thẻ, Mobile banking, thanh toán hóa đơn, dịch vụ chuyển tiền, chi trả kiều hối, mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ… chú ý tập trung phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của từng sản phẩm dịch vụ, quan tâm công tác chăm sóc khách hàng, nâng cao hình ảnh, thương hiệu Agribank thông qua các hoạt động tuyên truyền, tiếp thị, từ thiện xã hội gắn với các hoạt động chào mừng kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Agribank. Phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch tài chính, đảm bảo thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động, làm nền tảng cho hoạt động kinh doanh trong những năm tiếp theo.