Sau khi trần lãi suất về 12%, trên thị trường, các ngân hàng tiếp tục "đi đêm" với khách gửi tiền, với mức lãi vượt trần từ 2 đến 4% một năm.
Bài liên quan : << Ngân hàng Habubank >>
Nhân viên một ngân hàng tại phố Trần Khát Chân (Hà Nội) cho biết đơn vị này đang áp dụng lãi suất tiền gửi cao hơn 12% cho số tiền từ 200 triệu đồng trở lên. Anh này khẳng định, có thể thỏa thuận được lãi suất bằng VND cho người quen, với mức nới lên là 14% một năm, cho số tiền từ 200 triệu đồng.
Cán bộ tín dụng một ngân hàng tại quận Thanh Xuân cũng nói, sẽ cho khách quen gửi trên 100 triệu đồng hưởng lãi suất cao hơn trần quy định 3%. Còn tại một nhà băng được tăng trưởng tín dụng 15%, nhân viên cho hay lãi suất tiết kiệm cao nhất đang là 16% một năm với số tiền từ nửa tỷ đồng trở lên. Từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, lãi thấp hơn khoảng 1 - 2%. Trong sổ tiết kiệm của khách hàng, lãi suất vẫn ghi 12% một năm. Còn lãi ngoài được thanh toán bằng tiền mặt với khách khi ký sổ. Không bình luận về việc các ngân hàng "đi đêm" lãi suất, song nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm cho biết, khi trần lãi suất về 12% một năm, vẫn có những đơn vị huy động với mức chênh cả 3 - 4% so với mức trần.
Ông dự đoán, hiện tượng lách trần lãi suất như trên, chỉ xảy ra ở các ngân hàng yếu kém, mất thanh khoản bởi không vay được vốn trên thị trường 2 vì thiếu tín nhiệm. Còn với thị trường 1 là dân cư, người gửi cũng không còn niềm tin. Do đó, muốn tồn tại và tiếp tục phát triển tín dụng, ngân hàng bắt buộc phải lách trần lãi suất.
Ông Kiêm cho rằng, nếu không kiểm soát cẩn thận lạm phát mà để lãi suất chỉ giảm trên danh nghĩa, thì sớm muộn các ngân hàng lại tăng lãi suất huy động trở lại. Ông nhận định, thời điểm này, khi CPI tăng thấp, việc đưa trần lãi suất về 12% là hợp lý. Song khi các ngân hàng không huy động được bằng lãi suất 12%, để cạnh tranh, sẽ có đơn vị đẩy lãi suất lên cao.
Về quan điểm cho rằng muốn ổn định thị trường và chấm dứt tình trạng lách trần lãi suất, nên đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu các ngân hàng, nhiều chuyên gia nhận định, cần cẩn trọng và có chuẩn bị kỹ. "Phải có phân tích cụ thể. Nếu ngân hàng nào có khả năng mất thanh khoản thì cân nhắc dừng hoạt động. Còn vẫn trụ được thì bơm tiếp vốn thông qua thị trường hai để họ không huy động vô lối trên thị trường một nữa", nguyên Thống đốc Cao Sĩ Kiêm bày tỏ.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho biết, hiện nay, trong hệ thống ngân hàng có sự phân hóa khá rõ nét. Khi thanh khoản không còn căng, hầu hết các nhà băng lớn không nhảy ra thị trường 1 để "xâu xé" vốn như trước mà cạnh tranh nhau bằng chất lượng dịch vụ. Mặt khác, ông cho biết, người dân gửi tiền cũng đã biết được sức khỏe của các nhà băng, nên ngay cả khi huy động lãi suất cao, những đơn vị kia chưa chắc đã thu hút được vốn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, khi lý giải về hiện tượng ngân hàng vượt trần lãi suất, lại nói rằng, trần lãi suất chỉ là một biện pháp hành chính, áp đặt. Mà đã là áp đặt, sẽ có người muốn lách qua. Do đó, mục tiêu trước mắt là phải có đủ chế tài mạnh để biện pháp hành chính phát huy tác dụng, ông nói. Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, và vẫn khuyến khích các nhà băng tự giám sát nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét